Lối sống và dinh dưỡng hiện nay có nhiều thay đổi so với trước, dẫn đến việc xuất hiện nhiều bệnh lý gan mật như gan nhiễm mỡ, viêm gan do rượu...
Phòng ngừa các bệnh lý gan mật bằng chế độ ăn lành mạnh
Đây là những bệnh lý ít gặp trước đây, nhưng hiện có tỉ lệ khá cao. Trong các loại bệnh lý gan mật có viêm gan do vi rút (viêm gan A, viêm gan B). Bệnh gan do rượu, thuốc, hóa chất; gan nhiễm mỡ; u gan... Đây đều là các bệnh lý nặng hoặc có nguy cơ tiến triển nặng nếu không được phòng, trị từ sớm.
Để cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc về phòng ngừa các bệnh lý gan mật, bảo vệ gan mật, đồng thời là bảo vệ sức khỏe, trong điều kiện cuộc sống và công việc bận rộn, đồ ăn nhiều chất béo, môi trường khói bụi như hiện nay, báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của nhãn hàng Giải Độc Gan Nhất Nhất đã tổ chức buổi tư vấn trực tuyến "Phòng ngừa các bệnh lý gan mật", ngày 9-10.
Tất cả câu hỏi
Câu 1:
Vinh Hiển:
Gan nhiễm mỡ có phải do mỡ và em kiêng ăn mỡ động vật, phủ tạng động vật rồi có đúng hay không ạ?
Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền:
Tập thể dục, giảm cân, giảm vòng eo, kiêng ăn mỡ và nội tạng sẽ giúp giảm gan nhiễm mỡ bạn nhé.
Câu 2:
Thúy Mai:
Người nhà tôi hay gặp hiện tượng nổi mẩn trên da, ngứa da, nhiều người mách đây là hiện tượng nóng trong người, cần thải độc gan, điều này có chính xác không thưa bác sĩ? Nếu nóng trong người, việc uống các loại thảo dược có tính mát có hỗ trợ được không?
Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền:
Hiện tượng nổi mẩn trên da, ngứa da có thể do các nguyên nhân sau: bệnh lý gan mật, nhiễm giun sán, bệnh lý tự miễn, bệnh lý dị ứng. Như vậy một người khi bị nổi mẩn và ngứa da cần được kiểm tra về gan và tình trạng nhiễm giun sán như sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ, nhiễm Toxocara, nhiễm giun lươn...
Sau khi khẳng định không có bệnh lý về gan mật, không nhiễm giun sán thì mới khám bệnh lý tự miễn và dị ứng tại chuyên khoa dị ứng. Không nên dùng thuốc theo suy nghĩ mà chưa có chẩn đoán bệnh chính xác.
Câu 3:
Thu Huệ:
Chồng em hay nổi quạu, dễ cáu gắt, tính tình nóng nảy, hồi trước đi khám đông y bảo cũng liên quan đến gan, bác sĩ thấy có yếu tố nào không và em có cần đi khám tây y để điều trị?
Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền:
Có một số nguyên nhân khiến người bệnh dễ cáu gắt, tính tình nóng nảy như bệnh cường giáp, một số bệnh lý liên quan đến rối loạn tâm thần, một số bệnh lý tổn thương thần kinh thực thể, stress trong cuộc sống, nghiện rượu bia, sử dụng các chất kích thích, ma túy....
Bạn nên đưa chồng đi khám sức khỏe tổng quát, kiểm tra chức năng tuyến giáp, tâm thần kinh và tình trạng nam khoa. Nếu sức khỏe ổn định thì cần tìm hiểu thêm các yếu tố khác như áp lực cuộc sống, stress...
Nếu cần, bạn cho chồng đi khám thêm bác sĩ tâm lý. Không rượu bia, tập luyện thể dục thể thao hàng ngày, tích cực đi du lịch, nghe nhạc, ngủ đủ giấc... cũng giúp giảm bớt tính cáu gắt và nóng nảy bạn nhé.
Câu 4:
Quang Thái:
"Giải độc gan" bằng cách uống/sử dụng các cây cỏ có tính mát hay dược tính bổ gan có cần thiết hay không? Nếu cần thì bao lâu nên sử dụng một lần?
Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền:
Nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh rằng 1 số chất như silymarin có trong các cây thực vật như cỏ sữa, nhọ nồi... có tác dụng hạ men gan. Trường hợp người bệnh có bệnh lý về gan như viêm gan mạn, tăng men gan mới cần dùng các thuốc hạ men gan hoặc các thuốc hỗ trợ gan.
Việc dùng các cây cỏ có tính mát để ''giải độc gan" chưa được chứng minh về mặt khoa học. Tuy nhiên, nếu bạn muốn dùng thì tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ đông y nhé. Việc dùng thuốc hạ men gan có thể kéo dài 6 tháng đến 1 năm tùy từng tình trạng người bệnh.
Câu 5:
Viên Minh:
Da em bình thường vốn ngăm đen nhưng gần đây em thấy mỗi lần soi gương thì ngả vàng, có phải em bị bệnh gan không bác sĩ? Khi nào mắc bệnh dan và da chuyển sang ngả vàng ạ?
Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền:
Người Việt Nam thường có màu da hơi đen hoặc ngả vàng mà không phải bệnh lý của gan, nên mới được gọi là dân tộc da vàng. Thường bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng vàng da bằng cách nhìn niêm mạc mắt của người bệnh (vì niêm mạc mắt sẽ nhìn rõ nhất và sớm nhất khi bệnh nhân có biểu hiện của vàng da do gan).
Muốn biết bạn có mắc bệnh gan hay không thì đi xét nghiệm máu nhé. Xét nghiệm máu và siêu âm gan sẽ giúp chẩn đoán chính xác nhất tình trạng bệnh gan của bạn. Chúc bạn luôn khỏe đẹp nhé!
Bác sĩ Lưu Thị Minh Diệp - Trung tâm tiêu hóa - gan mật, Bệnh viện Bạch Mai tư vấn chương trình
Câu 6:
Hoá:
Cho mình hỏi mình bị viêm gan B uống thuốc được 6 tháng đi xét nghiệm lại thì bs thông báo là chỉ số viruS giảm và nói có kháng thể, vậy mình vẫn uống thuốc tiếp thêm mấy tháng nữa ạ, thuốc mình đang uống là tenofovis.
Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền:
Nếu bạn chưa xơ gan, bạn sẽ uống thuốc kháng vi rút kéo dài trong nhiều năm cho đến khi khỏi bệnh chức năng (số lượng vi rút giảm về 0 trong máu thể hiện bằng XN HBV DNA không phát hiện, sạch HBsAg thể hiện bằng HBsAg âm tính và có kháng thể đối với kháng nguyên S nghĩa là antiHBs trên 10 IU/mL), bạn có thể dừng thuốc.
Sau khi ngưng thuốc bạn vẫn phải kiểm tra lại mỗi 6 tháng để tránh tình trạng tái hoạt.
Còn nếu bạn chỉ có giảm vi rút thôi thì dù có kháng thể (không rõ kháng thể này của bạn là kháng thể với kháng nguyên e hay là kháng thể với kháng nguyên S), bạn vẫn phải tiếp tục uống thuốc nhé.
Câu 7:
Phạm văn thạch 31 tuổi:
Khi đi khám sức khoẻ tôi được chuẩn đón bị gan nhiễm mỡ, có phải đây là một trong những nguyên nhân tôi ăn khó tiêu không bác sĩ, tôi nặng 69kg cao 1m61, giờ tiêu nên điều trị, hay thực hiện kiêng ăn, hay uống thuốc thực phẩm chức năng, cám ơn bác sĩ.
Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền:
Gan nhiễm mỡ gây xơ hóa gan hoặc viêm gan tiến triển có thể dẫn đến triệu chứng chán ăn, khó tiêu. Trước mắt bác nên thực hiện giảm cân (bác thừa khoảng 8kg), tập thể dục hàng ngày, uống nhiều nước, kiêng ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, hạn chế thịt màu đỏ và nội tạng.
Việc sử dụng nhiều thực phẩm chức năng không giúp bác cải thiện gan nhiễm mỡ, vì vậy, bác không nên hoặc hạn chế dùng thực phẩm chức năng trừ khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Câu 8:
Lê Văn Vinh:
Thưa bác sĩ, bị ung thư gan giai đoạn 3, đã mổ. Vậy có chữa khỏi không?
Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền:
Ung thư gan giai đoạn 3, đã mổ thì cần theo dõi sau mổ để tầm soát ung thư gan tái phát và các biến chứng sau đó. Tùy từng tình trạng cụ thể của người bệnh (tuổi, giới, giai đoạn 3A, 3B hay 3C, bệnh lý nền đi kèm) mà bác sĩ có kế hoạch điều trị phù hợp cho từng người bệnh.
Việc điều trị giúp kéo dài thời gian sống của người bệnh (chứ không nhằm mục đích chữa khỏi).
Câu 9:
Đoàn Hòa:
Tôi 69 tuổi bị gan nhiễm mỡ dạng bản đồ đã 4 năm và có men gan GGT hơn 100 (SGOT và SGPT bình thường). Tôi không bia rượu thuốc lá hơn 10 năm qua. Vậy theo BS gan của tôi có vấn đề gì không? Có phải uống thuốc hay TPCN tăng cường bảo vệ gan hay không?
Bác sĩ Lưu Thị Minh Diệp:
Bác cần khám chuyên khoa tiêu hóa gan mật xem có mắc các bệnh về gan khác như viêm gan virus B, C, có rối loạn chuyển hóa như tăng mỡ máu, đường máu, béo phì hay không. Siêu âm ổ bụng và Fibroscan đo độ gan nhiễm mỡ. Bác cần khám định kỳ chuyên khoa tim mạch và nội tiết. Bác có thể uống thuốc hỗ trợ gan do bác sĩ chuyên khoa chỉ định và cần có chế độ ăn lành mạnh, tập luyện thể lực hợp lý.
Nếu có béo phì, bác cần điều chỉnh cân nặng.
Câu 10:
Nguyễn Thị Kiều Phương:
Dạ xin bác sĩ cho tôi hỏi thăm. Tôi 47 tuổi, mới đi siêu âm gan kết luận Hemangioma gan kích thước 7.3 x 7.8mm. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi phương pháp điều trị ạ.
Bác sĩ Lưu Thị Minh Diệp:
Nếu mới chỉ làm siêu âm thì chưa đủ bằng chứng để khẳng định là Hemangioma.
Bạn cần khám chuyên khoa tiêu hóa gan mật để làm xét nghiệm máu, đánh giá yếu tố nguy cơ như Viêm gan virus viêm gan B, C. Định lượng các marker ung thư như AFP, CA 199... Chụp cộng hưởng từ hoặc cắt lớp vi tính gan mật... Để từ đó có chẩn đoán chính xác là có phải Hemangioma không.
Hemangioma là loại u gan lành tính, chỉ cần can thiệp khi có biến chứng: to nhanh gây đau hoặc chảy máu.
Dễ nhầm lẫn giữa Hemangioma và các loại u gan khác (ung thư gan, ung thư đường mật...) nên quan trọng nhất là có chẩn đoán chính xác.
Câu 11:
Hùng Phan:
Viêm gan B sẽ uống thuốc điều trị trong bao lâu? Khi nào có thể ngừng thuốc? Khả năng bệnh có tái phát không và cần xét nghiệm men gan và ung thư gan bao lâu một lần nếu đã điều trị ổn và kết quả xét nghiệm âm tính? Bác sĩ cho hỏi viêm gan B mà hay bị nổi mề đay có phải do bệnh tái phát lại không? Xin cảm ơn.
Bác sĩ Lưu Thị Minh Diệp:
Viêm gan B mạn tính là một bệnh cần điều trị lâu dài. Có trường hợp phải điều trị suốt đời. Có trường hợp được dừng thuốc sau khi bệnh ổn định từ 2-3 năm. Quyết định ngừng thuốc đặc biệt quan trọng phải do bác sĩ chuyên khoa ra quyết định.
Bệnh có khả năng tái phát, đặc biệt là khi bệnh nhân tự ý dừng thuốc. Cần xét nghiệm và tầm soát 6 tháng/lần khi chưa mắc bệnh xơ gan và 3 tháng/lần khi bệnh nhân đã chuyển sang xơ gan. Ngay cả trong trường hợp kết quả điều trị đã ổn định thì người đã mắc virus viêm gan B mạn tính vẫn cần tầm soát định ký.
Triệu chứng nổi mề đay không phải là biểu hiện của tái phát bệnh viêm gan B.
Câu 12:
Bùi Thị Bích Vân:
Tôi bị gan nhiễm mỡ, cách nào để chữa trị hay làm thế nào để hết bệnh?
Bác sĩ Lưu Thị Minh Diệp:
Gan nhiễm mỡ là bệnh về rối loạn chuyển hóa. Bệnh cần phải được điều trị lâu dài.
Điều trị gan nhiễm mỡ cần dùng các thuốc hỗ trợ gan theo chỉ định chuyên khoa. Đồng thời, bệnh nhân cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh để bị béo phì, tập luyện thể lực phù hợp.
Câu 13:
Linh Trúc:
Biểu hiện nào rõ rệt để một người bình thường có thể đi khám, sàng lọc ung thư gan sớm hay không? Vì sao ung thư gan thường tiến triển nhanh sau khi được phát hiện mắc bệnh?
Bác sĩ Lưu Thị Minh Diệp:
Khuyến cáo về những người cần tầm soát ung thư gan chia làm hai nhóm:
- Nhóm có nguy cơ rất cao là những người xơ gan do virus viêm gan B và C, cần tầm soát qua khám định kỳ 3 tháng/lần
- Nhóm có nguy cơ cao là những người xơ gan do các nguyên nhân khác, hoặc viêm gan virus B, C mạn tính, cần được tầm soát qua khám định kỳ 6 tháng/lần.
Phương pháp tầm soát là siêu âm gan và xét nghiệm AFP.
Nếu phát hiện ở giai đoạn muộn: khối u lớn, có di căn tĩnh mạch cửa, có xơ gan mất bù thì tiến triển bệnh sẽ nhanh.
Trong trường hợp được phát hiện sớm: khối u dưới 3cm, sẽ có nhiều phương pháp điều trị triệt để như phẫu thuật, đốt sóng cao tần RFA cho tiên lượng tốt, thời gian sống được kéo dài. Nếu khối u lớn hơn cần phối hợp các phương pháp như nút mạch hóa chất để hạn chế khối u phát triển hoặc các phương pháp khác như thuốc đích, liệu pháp miễn dịch...
Khi bệnh nhân phát hiện bị ung thư gan cần được hội chẩn đa chuyên khoa để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Câu 14:
Mỹ Lan:
Người nhà tôi mới được chẩn đoán sỏi mật, hay nôn, đau bụng, sỏi mật do nguyên nhân nào và có khác gì so với sỏi thận? Điều trị liệu có phục hồi như bình thường hay không ạ?
Bác sĩ Lưu Thị Minh Diệp:
Sỏi mật khi gây biến chứng viêm đường mật có thể gây nôn và tình trạng nhiễm trùng.
Sỏi mật có hai nguyên nhân do nhiễm trùng mạn tính như giun chui ống mật, hoặc do rối loạn chuyển hóa, tăng cholesterol hoặc các bệnh lý đường mật mạn tính hoặc bệnh lý tan máu bẩm sinh.
Sỏi mật và sỏi thận khác nhau về thành phần cũng như các hậu quả. Sỏi mật có thể gây tình trạng tắc mật hoặc nhiễm trùng đường mật. Nhiễm trùng đường mật mạn tính là một yếu tố nguy cơ của ung thư đường mật, xơ gan.
Sỏi thận gây nhiễm trùng đường tiết niệu, suy thận, tăng huyết áp...
Điều trị sỏi mật thì tùy vị trí của sỏi:
Sỏi ống mật chủ có thể được điều trị bằng lấy sỏi qua nội soi (ERCP: lấy sỏi qua nội soi đường mật ngược dòng) hoặc phẫu thuật.
Sỏi đường mật trong gan có thể lấy bằng phẫu thuật hoặc lấy sỏi qua da.
Sỏi túi mật khi gây biến chứng nhiễm trùng cần được điều trị bằng kháng sinh và một số trường hợp được cắt túi mật qua nội soi hoặc mổ mở.
Câu 15:
Minh Tiến:
Tất cả các viêm gan vi rút đều có nguy cơ tiến triển thành ung thư gan hay chỉ viêm gan B, thưa bác sĩ? Đã có viêm gan vi rút nào có vắc xin phòng ngoài viêm gan B?
Bác sĩ Lưu Thị Minh Diệp:
Những loại virus viêm gan gây tổn thương gan mạn tính mới gây nguy cơ tiến triển thành ung thư gan. Virus viêm gan B và C là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan.
Hiện tại, đã có vắc xin phòng viêm gan virus A và B. Virus viêm gan A chỉ gây viêm gan cấp tính, suy gan cấp mà không có nguy cơ gây ung thư gan.
Câu 16:
Minh Trí:
Em đang ở giai đoạn đầu của chứng gan nhiễm mỡ, mọi người nói điều chỉnh ở chế độ ăn vẫn còn phù hợp, vậy chế độ ăn nào là tốt nhất cho người mắc bệnh lý này? Từ gan nhiễm mỡ có nguy cơ chuyển sang bệnh lý nào thưa bác sĩ?
Bác sĩ Lưu Thị Minh Diệp:
Bạn phải kiểm tra các nguyên nhân gây bệnh gan nhiễm mỡ: rối loạn chuyển hóa, rối loạn lipid máu, béo phì, tiểu đường...
Nếu không có các nguyên nhân trên, bạn sẽ điều chỉnh chế độ ăn lành mạnh cân đối giữa các yếu tố lipid, glucid, protid, nhiều rau xanh, hạn chế các đồ ăn nhanh gây tăng mỡ máu và đường máu, phủ tạng động vật...
Từ gan nhiễm mỡ không do rượu NAFLD có thể tiến triển thành viêm gan nhiễm mỡ NASH, và là một trong những yếu tố dẫn đến xơ gan, ung thư gan.
Câu 17:
Trang Minh:
Từ viêm gan vi rút thì thời gian biến đổi thành ung thư gan có dài không? Nếu đã bị viêm gan vi rút, nên làm gì để ngăn chặn biến chuyển thành ung thư gan?
Bác sĩ Lưu Thị Minh Diệp:
Viêm gan virus B và C mạn tính có nguy cơ gây biến chứng ung thư biểu mô tế bào gan. Viêm gan virus B là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan. Tùy theo thời gian mắc, giới, nồng độ virus và bệnh nhân có được điều trị thuốc kháng virus hay không... mà thời gian diễn biến đến ung thư gan là khác nhau. Người có mang virus viêm gan B có nguy cơ gây ung thư gan gấp 20 lần người không mang virus. Người có virus viêm gan B mà có xơ gan thì nguy cơ gây ung thư gan còn cao hơn nữa. Có nghiên cứu trên thế giới thống kê cao gấp từ 40-100 lần.
Bệnh nhân mang virus viêm gan C thì hàng năm có khoảng 3% tiến triển thành ung thư gan.
70% bệnh nhân ung thư gan là người có virus viêm gan B và C.
Nếu đã bị viêm gan virus B, bạn cần được khám chuyên khoa tiêu hóa gan mật định kỳ để cân nhắc chỉ định dùng thuốc kháng virus để giảm nguy cơ dẫn đến ung thư gan. Người bệnh cần được tầm soát định kỳ bằng siêu âm ổ bụng và chỉ số AFP để kịp thời phát hiện sớm biến chứng ung thư gan.
Nếu bệnh nhân bị viêm gan virus C thì cần được điều trị bằng các thuốc kháng virus trực tiếp (DAAs) từ 3 đến 6 tháng để làm giảm nguy cơ dấn đến ung thư gan và xơ gan.
Xơ gan do các nguyên nhân khác (do rượu bia...) cũng là nguyên nhân gây ung thư gan.
Nói chung, tất cả bệnh nhân đã viêm gan virus B và C cần hạn chế các yếu tố làm tăng nặng bệnh gan, đặc biệt là rượu bia, các thuốc không rõ nguồn gốc có thể gây độc cho gan.
Câu 18:
Ngọc Linh:
Lứa tuổi nào dễ mắc gan nhiễm mỡ nhất? Chứng bệnh này có phải dùng thuốc điều trị hay chỉ điều chỉnh chế độ ăn?
Bác sĩ Lưu Thị Minh Diệp:
Bệnh gan nhiễm mỡ có thể gặp từ lứa tuổi thanh niên đến trung niên, thậm chí cao niên.
Các nguyên nhân gây bệnh gan nhiễm mỡ như: rối loạn chuyển hóa, béo phì, tăng mỡ máu, tiểu đường... Cần kiểm soát các nguyên nhân này để hạn chế làm tiến triển bệnh gan nhiễm mỡ thành viêm gan nhiễm mỡ, xơ gan, ung thư gan...
Hiện tại chưa có thuốc đặc trị, mới chỉ có các thuốc hỗ trợ gan.
Chế độ ăn là một yếu tố rất quan trọng đối với người mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Người bị gan nhiễm mỡ cần hạn chế bia rượu, các thực phẩm gây tăng mỡ máu (ăn quá nhiều mỡ, phủ tạng động vật, quá nhiều trứng gia cầm...), hạn chế các tác nhân có thể gây độc cho gan (các loại thuốc đông tây không rõ nguồn gốc)
Câu 19:
Thúy Hà:
Tôi có sỏi mật đường kính khoảng 1cm, đã sống chung nhiều năm mà chưa có dấu hiệu đáng lưu ý nào. Có bác sĩ khuyên mổ cắt túi mật, có bác sĩ tư vấn cứ sống chung và cho uống thuốc tán sỏi (hẹn 3 tháng sau tái khám). Tuy nhiên tôi không thể uống thuốc tán sỏi vì cứ uống vào là bụng đau quặn thắt nên tới giờ tôi vẫn chưa đi tái khám vì chỉ mới uống được thuốc vài lần. Xin hỏi bác sĩ tôi có cần phải lưu ý gì không? Riêng về chế độ ăn, tôi ăn uống cũng bình thường, không quá kiêng khem nhưng không ăn quá nhiều chất béo không có lợi, có điều là tôi ăn tối hơi trễ. Xin cảm ơn.
Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền:
Sỏi mật 1 cm thì kích thước khá nhỏ, thông thường các bác sĩ chỉ mổ cắt túi mật khi sỏi mật gây biến chứng như nhiễm trùng, viêm túi mật. Vì vậy nếu bác không đau bụng, không sốt thì chưa cần mổ cắt túi mật, chỉ cần theo dõi định kỳ 3 hoặc 6 tháng/lần.
Các thuốc điều trị sỏi mật như acid urusodesoxycholic (UDCA) có thể gây kích ứng dạ dày khi uống. Nếu bác uống thuốc UDCA mà bị đau bụng thì nên ngừng uống. Bác cần tập thể dục hàng ngày, uống nhiều nước, có thể uống trà artiso để lợi mật, kiêng đồ ăn nhiều giàu mỡ. Khám sỏi mật định kỳ mỗi 6 tháng hoặc khi bị sốt, đau bụng. Chúc bác luôn mạnh khỏe.
Câu 20:
Thùy Trang:
Thưa bác sĩ, tôi mới tiêm được một mũi viêm gan B khi xét nghiệm máu thì ra kết quả dương tính cần theo dõi, vậy trong thời gian này tôi có nên tiếp tục tiêm vắc xin viêm gan B mũi thứ 2,3 không?
Bác sĩ Lưu Thị Minh Diệp:
Trường hợp của bạn không cần tiếp tục tiêm vắc xin nữa vì cơ thể đã có nhiễm virus viêm gan B rồi.
Bạn cần theo dõi để xem có cần điều trị thuốc kháng virus viêm gan B hay không.
Những trường hợp được xác định là viêm gan B mạn tính (nhiễm virus trên 6 tháng), có tăng men gan hoặc có xơ hóa gan (khi đo độ xơ hóa gan từ F2 trở lên), hoặc có nồng độ virus cao... thì sẽ được bác sĩ chuyên khoa cân nhắc chỉ định điều trị bằng thuốc kháng virus viêm gan B.
Những trường hợp mang virus viêm gan B mạn tính cũng cần khám định kỳ để tầm soát các biến chứng như xơ gan và ung thư gan.
Câu 21:
Long Trần:
Xin bác sĩ cho biết việc dùng các viên uống giúp tăng cường chức năng gan có hiệu quả như quảng bá không, và với những người uống bia rượu nhiều thì việc uống các loại thực phẩm này sẽ giúp ích cho họ chứ - bởi vì lý do công việc cần giao tế nên tôi không thể không uống bia rượu nhiều. Cảm ơn bác sĩ.
Bác sĩ Lưu Thị Minh Diệp:
Gan là cơ quan có chức năng chuyển hóa và thải độc. Hầu như các loại thuốc tây y hay đông nam dược đều chuyển hóa qua gan. Nên cần thận trọng khi dùng các loại thuốc, kể cả các loại thực phẩm chức năng được quảng bá là có tác dụng hỗ trợ tăng cường chức năng gan.
Cũng đã ghi nhận được những trường hợp suy gan khi lạm dụng các loại thuốc "bổ gan" không rõ nguồn gốc hoặc không phù hợp.
Bia rượu gây độc trực tiếp cho tế bào gan. Vì thế để bảo vệ gan, tốt nhất là hạn chế tối đa việc sử dụng bia rượu thường xuyên.
Câu 22:
Hoàng Tuấn:
Tôi đi khám tổng quát, phát hiện có 1 viên sỏi kích cỡ 11 mm, BS khám nói có dấu hiệu đau thì phải cắt túi mật. Hiện tại sức khỏe tôi bình thường không có dấu hiệu đau. BS cho hỏi, y khoa có phương pháp nào lấy hay tán sỏi trong túi mật mà không phải cắt túi không, vì nghe nói nếu cắt túi mật thì ăn sẽ lâu tiêu hóa, sức khỏe sẽ giảm sút! Cảm ơn bác sĩ!
Bác sĩ Lưu Thị Minh Diệp:
Hiện tại chưa có phương pháp lấy sỏi túi mật nào khác ngoài phương pháp cắt bỏ túi mật.
Chỉ định cắt túi mật phải do bác sĩ chuyên khoa, khi sỏi túi mật gây biến chứng như viêm túi mật cấp và mãn tính, sỏi kẹt cổ túi mật, viêm tụy cấp...
Bạn cần kiểm tra định kỳ và hạn chế những thức ăn có thể làm tăng cholesterol máu.
Câu 23:
Lan Minh:
Xin bác sĩ cho tôi biết làm sao ngăn ngừa tình trạng nổi mụn quá nhiều trên lưng? Tôi cố gắng ăn nhiều trái cây, rau xanh, tắm ngày 2 lần nhưng mụn vẫn nổi nhiều trên lưng? Tôi không biết làm sao giải quyết tình trạng này, vì nó làm tôi mất tự tin khi mặc áo hở lưng.
Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền:
Nổi mụn trên lưng có thể do nhiều nguyên nhân: do nội tiết, do bệnh lý về gan, do nhiễm trùng da. Đặc biệt nhiễm trùng da do tụ cầu có thể gây viêm mụn mủ kéo dài và hay tái phát. Chính vì vậy, bạn cần đi khám để kiểm tra tình trạng gan và viêm da của mình nhé (bạn có thể khám chuyên khoa gan và chuyên khoa da liễu).
Câu 24:
Võ Ngọc Toàn:
Thưa bác sĩ, Tôi 52 tuổi (nam) và vừa qua có đi xét nghiệm gan. Kết quả: SGOT(AST): 32.3u/l SGPT(ALT) : 49u/l Tôi chỉ thỉnh thoảng uống 2-3 chai bia / tuần Xin bác sĩ cho biết nguyên do men gan vẫn cao. Xin cảm ơn bác sĩ.
Bác sĩ Lưu Thị Minh Diệp:
Bạn cần khám chuyên khoa xác định các nguyên nhân có thể gây tăng men gan như viêm gan virus B, C, các bệnh lý chuyển hóa như gan nhiễm mỡ, rối loạn chuyển hóa lipid máu... bằng cách làm xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng.
Nếu đã có các nguyên nhân từ bệnh lý kể trên, thì bia rượu cũng là yếu tố thúc đẩy làm tăng men gan.
Câu 25:
Nguyễn Văn Lê:
Tôi bị sỏi mật kích thước 22mm vừa rồi tắc ống đẫn mật làm vàng da vàng mắt và khi khám nhập viện bác sỉ chỉ định nội soi gắp sỉ ống mật bằng phương pháp ngược dòng qua miệng và sau đó 4 ngày khi 3 chỉ số men gan hạ xuống thì bệnh viện chỉ định mổ cắt túi mật, tôi chưa đồng ý vì tôi biết VN có PP tán sỏi mật bằng tia Laser nên tôi xin BS cho biết ưu điểm của 2 PP nội soi cắt và phương phán tán sỏi mật bằng Laser ra sao để có thể quyết định. Xin chân thành cám ơn.
Bác sĩ Lưu Thị Minh Diệp:
Sỏi túi mật hiện nay có hai phương pháp điều trị: điều trị nội khoa bằng thuốc khi có tình trạng viêm túi mật và mổ cắt túi mật khi sỏi túi mật gây các biến chứng như viêm túi mật mãn tính, viêm tụy cấp...
Điều trị laser hiện tại chưa được chỉ định cho sỏi túi mật.
Điều trị sỏi túi mật thì khác với sỏi trong ống mật.
Câu 26:
ANH ĐÀO:
Thưa bác sĩ, cách đây 6 tháng tôi xét nghiệm máu có kết quả dương tính với viêm gan B. Các bác sĩ có dặn tôi về nhà theo dõi sau 6 tháng tiếp theo, vậy khả năng tôi mắc viêm gan B mạn tính có cao không? việc xét nghiệm máu thông thường có phát hiện được viêm gan B. Cảm ơn bác sĩ
Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền:
Viêm gan B mạn nghĩa là người bệnh nhiễm vi rút viêm gan B kéo dài trên 6 tháng. Nếu bây giờ bác test lại HBsAg mà vẫn dương tính thì có nghĩa bác đã chuyển sang giai đoạn mạn.
Xét nghiệm máu thông thường hoàn toàn có thể phát hiện ra tình trạng nhiễm vi rút viêm gan B bằng test HBsAg: đây là xét nghiệm máu dễ thực hiện, đơn giản, và có thể thực hiện ở nhiều cơ sở y tế địa phương.
Câu 27:
Nguyễn Hiền:
Mẹ tôi không uống bia rượu, bà ăn uống rất kỹ nhưng vẫn bị viêm gan B. Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân nào dẫn đến bệnh và phải phòng tránh thế nào?
Bác sĩ Lưu Thị Minh Diệp:
Viêm gan B là bệnh lây truyền theo đường máu (dịch vụ y tế, tiêm truyền, vật sác nhọn gây xầy xước có dính mầm bệnh mà không được vô trùng) hoặc có thể lây truyền từ mẹ sang con. Việc rất cần thiết là mẹ bạn phải được khám chuyên khoa tiêu hóa gan mật định kỳ để xác định tình trạng gan hiện tại, và cân nhắc có cần điều trị thuốc kháng vi rút viêm gan B để hạn chế các tiến triển viêm gan mạn dẫn đến xơ gan, ung thư gan.
Câu 28:
Sơn Trần:
Tôi bị rối loạn lipid máu gần 15 năm nay, vẫn uống thuốc theo toa bác sĩ và đi khám định kì thường xuyên theo lịch của bác sĩ. Vừa qua tôi được bác sĩ chẩn đoán siêu âm là gan nhiễm mỡ và sạn mật 10mm. Tôi không bia rượu và không thuốc lá. Sau khi bác sĩ chẩn đoán xong thì ra không có toa thuốc về gan nhiễm mỡ và điều trị sạn mật. Bác sĩ chỉ cho thuốc lypantin 200mg uống chiều 1v thôi. Vậy xin phép hỏi bác sĩ là tôi nên dùng thuốc gì thêm và hướng điều trị bệnh lý gan nhiễm mỡ và sạn mật ra sao? Tôi giờ mỗi ngày tập thể dục chạy bộ 30 phút và đạp xe 30 phút) xin cám ơn bác sĩ!
Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền:
Bác là nam hay nữ? Bao nhiêu tuổi? Ngoài rối loạn lipid máu thì bác có bị các bệnh kèm theo như tiểu đường, cao huyết áp và bệnh mạch vành không? Bác cao bao nhiêu? Cân nặng bao nhiêu ạ? Có bị thừa cân nhiều không? Bác sĩ cần biết những thông tin này mới có thể tư vấn cụ thể hơn giúp bác.
Với thông tin hiện có, trường hợp của bác thì trước mắt cần điều trị rối loạn lipid máu bằng lipanthin 200mg/ngày. Còn về gan nhiễm mỡ thì bác chỉ cần tập thể dục, giảm cân và giảm vòng bụng. Trường hợp gan nhiễm mỡ gây xơ hóa gan tiến triển mới cần can thiệp điều trị thuốc. Thông thường phác đồ điều trị gan nhiễm mỡ đầu tay là tập thể dục và giảm cân bác ạ.
Sạn mật mà bác nói chắc là do lắng động cặn hoặc lắng đọng cholesterol ở túi mật: bác chỉ cần hạn chế đồ ăn dầu mỡ và uống nhiều nước. Nếu bác là nam giới cao tuổi thì không nên dùng vitamin E để điều trị gan nhiễm mỡ vì gây tăng nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến. Chúc bác luôn khỏe mạnh. Bác nhớ kiểm tra tình trạng gan nhiễm mỡ mỗi 6 tháng nhé!
Câu 29:
Nguyễn Văn Tiền:
Dạ, tôi bị u phổi được mổ đầu năm 2019, sau đó hóa trị rồi được bác sĩ cho uống thuốc mỗi ngày 1 viên. Cách nay 6 tháng thuốc uống hết tác dụng khiến vết di căn xương tăng hoạt động trở lại. BS cho xạ trị và uống mỗi ngày 1 viên Tagrisso. Người lúc nào cũng nóng bức khó chịu, vậy tôi có nên uống thuốc về gan được không ạ. Xin cảm ơn BS.
Bác sĩ Lưu Thị Minh Diệp:
Bạn cần khám và làm các thăm dò về gan như xét nghiệm máu, đánh giá chức năng gan và xác định có mắc các bệnh gan mãn tính như viêm gan virus B, C hay không, siêu âm ổ bụng đánh giá về gan. Dựa vào các thông số kết quả trên mới có thể đưa ra chỉ định điều trị phù hợp.
Câu 30:
Phạm Thái:
Viêm gan có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan không thưa bác sĩ. Nếu mắc
viêm gan B tôi có thể điều trị dứt điểm không, có cần tầm soát định kỳ không ạ?
Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền:
Viêm gan có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan: đặc biệt là viêm gan B và viêm gan C. Tại Việt Nam, viêm gan vi rút B được chứng minh là căn nguyên hàng đầu gây ung thư gan tại Việt Nam, khiến cho tỷ lệ mắc và chết do ung thư gan tại Việt Nam cao hàng thứ 5 trên thế giới và hàng thứ 2 trong khu vực.
Viêm gan B không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể CHỮA KHỎI CHỨC NĂNG, có thể ngăn ngừa được các biến chứng xơ gan và ung thư gan bằng cách uống thuốc kháng vi rút nhiều năm. Người bệnh viêm gan B dù chưa điều trị hay đang điều trị hoặc đã điều trị khỏi bệnh chức năng thì đều phải tầm soát ung thư gan và xơ gan mỗi 6 tháng/lần. Chúc bác luôn khỏe mạnh.
Câu 31:
Nguyễn Phong Phú:
Kính thưa bác sĩ với thực trạng nông sản còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hay thực phẩm bị tẩm ướp hóa chất độc hại vẫn còn được lưu thông nhiều nơi trên thị trường Việt Nam như hiện nay... xin bác sĩ có thể cho biết những tác hại từ những loại thực phẩm nói trên nếu con người ăn phải thì ảnh hưởng gây độc hại trực tiếp cho cơ thể như thế nào và những độc tố đó có thể tồn dư tồn trữ lại trong cơ thể người chờ thời cơ thuận lợi bộc phát các loại bệnh như ung thư và những bệnh khác không ạ? Và nguồn nước bị ảnh hưởng từ các nhà máy, từ các khu công nghiệp hay những dòng sông chịu ảnh hưởng ô nhiễm độc tố từ bởi các loại phân, thuốc mà người nông dân sử dụng một cách tràn lan vô tội vạ ảnh hưởng chảy tràn ra sông gây ô nhiễm nghiêm trọng cho nguồn nước cộng đồng sử dụng trong sinh hoạt, ăn uống rất nhiều như hiện nay có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe người dân thưa bác sĩ?
Bác sĩ Lưu Thị Minh Diệp:
Tất cả tình trạng ô nhiễm do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm, ô nhiễm nguồn nước thì đều có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua đường ăn uống. Các độc tố nói trên ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, không chỉ tích lũy và ảnh hưởng đến gan.
Các bạn đã biết gan là cơ quan chuyển hóa và thải độc, vì thế các độc tố có thể gây ra các tổn thương gan cấp như viêm gan cấp hoặc tổn thương âm thầm, không có biểu hiện triệu chứng. Chỉ khi làm xét nghiệm máu mới phát hiện được gây hủy hoại tế bào gan với dấu hiệu trên kết quả xét nghiệm là tăng men gan.
Câu 32:
Hoa Tiêu:
Xin bác sĩ cho biết viêm gan A, B có lây qua việc chấm chung nước mắm không? Nếu người trong gia đình đã mắc viêm gan thì phải phòng tránh để không lây nhiễm như thế nào?
Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền:
Viêm gan vi rút A là bệnh lây qua đường tiêu hóa nên việc dùng chung đồ ăn hoặc dùng chung bát đĩa như (chấm mắm chung, dùng canh chung thìa muôi) có thể lây bệnh.
Viêm gan vi rút B lây theo đường máu, đường tình dục và mẹ truyền sang con khi mang thai và chuyển dạ: nên việc ăn uống chung, nói chuyện, ôm hôn không lây bệnh viêm gan B.
Tuy nhiên viêm gan A và viêm gan B đều có vắc xin phòng bệnh, bác nên cho người thân trong gia đình đi tiêm phòng vắc xin viêm gan A, B để bảo vệ mọi người không bị lây bệnh nhé. Chúc bác và gia đình luôn khỏe mạnh.
Câu 33:
Ngọc Lam:
Chồng tôi bị
men gan cao nhiều năm, có lúc vượt ngưỡng 6 lần. Anh không uống bia rượu, không ăn chất béo, không béo phì, và có tập luyện. Nhưng công việc của anh khá nhiều nên gần như không thể ngủ trước 1-2h sáng. Do đó, tôi muốn hỏi, có cách nào điều chỉnh tốt hơn để giúp anh điều chỉnh men gan không? Xin cảm ơn.
Bác sĩ Lưu Thị Minh Diệp:
Bạn có thể cho chồng bạn đi khám tại các phòng khám chuyên khoa tiêu hóa gan mật để xác định nguyên nhân gây tăng men gan và chức năng gan hiện tại. Khi xác định được nguyên nhân gây tăng men gan thì bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị đặc hiệu. Ngoài ra, về chế độ sinh hoạt cần tránh hoạt động thể lực nặng, hạn chế các loại thuốc có hại cho gan, các loại thực phẩm chức năng, thuốc đông y không rõ nguồn gốc.
Việc chồng bạn thức khuya không ảnh hưởng nhiều đến chức năng gan.
* Những người nào có thể sử dụng Giải Độc Gan Nhất Nhất?
- Dược sĩ Nguyễn Thị Thập (phụ trách nhãn hàng): Nhóm ưu tiên là người già chức năng gan suy giảm; người dùng thuốc tân dược kéo dài, đặc biệt là trường hợp mắc các bệnh mạn tính; bệnh nhân viêm gan, viêm gan B cấp và mạn tính; người dùng nhiều bia rượu; người bị suy giảm chức năng gan, có các biểu hiện như đầy bụng, khó tiêu, dị ứng, mề đay, mẩn ngứa, nóng trong, mụn nhọt; người bị suy giảm chức năng gan do ngộ độc thực phẩm.
Chống chỉ định cho phụ nữ có thai, trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử động kinh hoặc co giật do sốt cao.
* Điểm khác biệt của Giải Độc Gan Nhất Nhất so với các sản phẩm tương tự?
- Dược sĩ Nguyễn Thị Thập: Sản phẩm đã được Bộ Y tế phê duyệt và nghiệm thu nghiên cứu lâm sàng so sánh hiệu quả của thuốc Giải độc gan Nhất Nhất với thuốc chuyên dùng để điều trị bệnh gan.
Thuốc Giải độc gan Nhất Nhất làm hạ men gan (ALT, AST, GGT) tương đương với thuốc chuyên biệt được dùng điêu trị bệnh gan kể trên trên bệnh nhân tăng men gan do viêm gan B, C, bệnh gan do rượu, do thuốc, gan nhiễm mỡ, nhiễm độc hóa chất. Đặc biệt thuốc Giải độc gan Nhất Nhất cho hiệu quả vượt trội trên bệnh nhân có men gan cao. Thuốc cũng giúp cải thiện các triệu chứng bệnh gan tương đương thuốc điều trị chuyên biệt.
Theo Báo Tuổi trẻ
Link gốc: https://tuoitre.vn/phong-ngua-cac-benh-ly-gan-mat-bang-che-do-an-lanh-manh-han-che-bia-ruou-20231008153051829.htm
Sản xuất từ thảo dược, tại nhà máy chuẩn GMP-WHO, thuốc
GIẢI ĐỘC GAN NHẤT NHẤT
Thành phần (cho một viên nén bao phim):
462mg cao khô tương đương: Bạch thược (Radix Paeoniae lactiflorae) 420mg, Bạch truật (Rhizoma Atractylodis macrocephalae) 420mg, Cam thảo (Radix Glycyrrhizae) 420mg, Diệp hạ châu (Herba Phyllanthi urinariae) 840mg, Đảng sâm (Radix Codonopsis pilosulae) 420mg, Đương quy (Radix Angelicae sinensis) 420mg, Nhân trần (Herba Adenosmatis caerulei) 840mg, Phục linh (Poria) 420mg, Trần bì (Pericarpium Citri reticulatae perenne) 420mg, Tá dược vừa đủ 1 viên.
Tác dụng - Chỉ định:
Tác dụng: Nhuận gan, tiêu độc, kiện tỳ, tăng cường khí huyết.
Chỉ định:
-
Viêm gan, hỗ trợ điều trị viêm gan B cấp và mãn tính với các triệu chứng mệt mỏi, vàng da, chán ăn, khó tiêu, táo bón, đau vùng gan.
-
Bảo vệ và tái tạo gan, giải độc gan, chống dị ứng, mề đay, lở ngứa, mụn nhọt, rôm sảy, suy giảm chức năng gan do dùng nhiều bia rượu, tân dược.
Liều dùng - Cách dùng:
Uống thuốc tốt nhất vào lúc đói.
-
Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Ngày 2 lần, mỗi lần 2 viên.
-
Trẻ em từ 8-12 tuổi: Ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên.
Với bệnh mãn tính nên uống thuốc liên tục ít nhất 3 tháng.
Chống chỉ định: Phụ nữ có thai, trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử động kinh hoặc co giật do sốt cao.
Trường hợp thận trọng khi dùng thuốc: Nam giới có ý định sinh con.
Kiêng cữ ăn uống khi dùng thuốc: Không ăn măng, trứng, đồ chiên xào nhiều mỡ. Không uống nước đá, tắm nước lạnh khi dùng thuốc.
CHÚ Ý: Với từng bệnh nhân cụ thể, nếu hiệu quả Giải Độc Gan Nhất Nhất phải có tác dụng rõ rệt sau 10-15 ngày sử dụng, nếu không thì tham khảo ý kiến thầy thuốc về việc tiếp tục hay ngưng dùng để khỏi lãng phí.
Sản xuất bởi: CÔNG TY TNHH DƯỢC PHẨM NHẤT NHẤT
Cụm công nghiệp Liên Hưng, ấp Bình Tiền 2, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Điện thoại: 1800.6689 (giờ hành chính) - Fax: 0272.3817.337
Số Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc: 0474/2017/XNQC/QLD
ĐỌC KỸ HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG TRƯỚC KHI DÙNG
Xem thêm : GIẢI ĐỘC GAN NHẤT NHẤT
|